Tìm hiểu người dân có quyền sở hữu nhà ở khi nào?
Việc quy định như dự thảo Luật là không trái với Bộ luật dân sự, và phù hợp với Luật Đất đai.
Vẫn đang có 2 phương án được đưa ra là từ khi “thanh toán đủ tiền” và “từ khi đăng ký giao dịch ở cơ quan nhà nước và được cấp sổ đỏ”.
Vấn đề thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở từ khi nào khi có giao dịch về bất động sản, là một trong những nội dung trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều ý kiến khác nhau khi đưa ra thảo luận.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ngày 24/10 tới Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật này sẽ báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), trong đó có vấn đề “thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở” đang có 2 luồng ý kiến khác nhau, sẽ được đưa ra các đại biểu Quốc hội thảo luận, chốt phương án.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này của Bộ Xây dựng, có 2 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất, là ý kiến tán thành với dự thảo Luật. Việc mua, thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở;
Trường hợp tặng cho, đổi nhà thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là khi “bàn giao nhà”;
Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà kể từ thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở.
Quan điểm thứ hai, thời điểm chuyển quyền sở hữu là khi đăng đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và Luật đất đai năm 2013.
Thời điểm ở đây được xác định là khi giao dịch được đăng lý tại cơ quan nhà nước và được cấp “sổ đỏ”.
Theo giải trình của Ban soạn thảo Luật, việc quy định như luồng ý kiến thứ nhất là nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu, và hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu.
Việc quy định như dự thảo Luật là không trái với Bộ luật dân sự, và phù hợp với Luật Đất đai.
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai có quy định “đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Bộ luật dân sự (Điều 168) quy định việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vì vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Như vậy, 2 phương án về “thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở” như nêu trên sẽ được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần này xin ý kiến Quốc hội để đưa vào Luật Nhà ở, sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Leave a Reply